17 Đại học của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng cấp châu Á

17 trường của Việt Nam vào bảng xếp hạng châu Á, dẫn đầu là Đại học Duy Tân; hai đại học quốc gia tăng hạng, trong khi trường Tôn Đức Thắng tụt mạnh.

Tổ chức QS ngày 6/11 công bố bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2025. Việt Nam có 17 trường trong danh sách, tăng hai trường so với lần xếp hạng trước (Đại học Mở TP HCM và Đại học Vinh).

Đứng đầu vẫn là Đại học Duy Tân, ở vị trí 127. Tiếp theo là Đại học Quốc gia Hà Nội và Quốc gia TP HCM, lần lượt hạng 161 và 184. Trường Đại học Tôn Đức Thắng ở vị trí thứ tư – hạng 199.

Trong nhóm 300-500 có trường Đại học Nguyễn Tất Thành (hạng 333), Đại học Huế (348), Kinh tế TP HCM (369), Bách khoa Hà Nội (388). Hai Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM và Đà Nẵng cùng được xếp hạng 421-430. Đại học Giao thông Vận tải và Văn Lang trong nhóm 481-490 và 491-500.

Ở các vị trí thấp hơn là Đại học Công nghiệp TP HCM, Cần Thơ, Mở TP HCM, Sư phạm Hà Nội và Vinh.

So với năm ngoái, trường Đại học Tôn Đức Thắng tụt hạng mạnh nhất – 61 bậc. Thăng tiến nhất là Đại học Văn Lang và Công nghiệp TP HCM – tăng hơn 200 bậc.

Thứ hạng của các đại học Việt Nam cụ thể như sau:

TT

Tên trường

Xếp hạng 2024

Xếp hạng 2025

Học phí (đồng/năm)

Nguồn: website, đề án tuyển sinh

1

Đại học Duy Tân

115

127

16,2-98,8 triệu

2

Đại học Quốc gia Hà Nội

187

161

14,1-100 triệu

3

Đại học Quốc gia TP HCM

220

184

14,1-140 triệu

4

Đại học Tôn Đức Thắng

138

199

20-88 triệu

5

Đại học Nguyễn Tất Thành

291-300

333

20,9-150,8 triệu

6

Đại học Huế

351-400

348

13,5-48,9 triệu

7

Đại học Kinh tế TP HCM

301-350

369

30,7-33,5 triệu

8

Đại học Bách khoa Hà Nội

401-450

388

24-87 triệu

9

Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM

401-450

421-430

28,8-58 triệu

10

Đại học Đà Nẵng

501-550

421-430

13,4-38 triệu

11

Đại học Giao thông Vận tải

651-700

481-490

15,6-32,9 triệu

12

Đại học Văn Lang

701-750

491-500

40-196 triệu

13

Đại học Công nghiệp TP HCM

751-800

501-520

32,8-53,58 triệu

14

Đại học Cần Thơ

651-700

521-540

19-36 triệu

15

Đại học Mở TP HCM

chưa được xếp hạng

701-750

22-48 triệu

16

Đại học Sư phạm Hà Nội

801+

751-800

không công bố

17

Đại học Vinh

chưa được xếp hạng

851-900

không công bố

Bảng xếp hạng châu Á của QS lần này có 984 đại học từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 9 tiêu chí, danh tiếng học thuật chiếm trọng số lớn nhất – 30%, sau đó là số trích dẫn (20%). Các tiêu chí còn lại là uy tín của trường, tỷ lệ giảng viên/sinh viên, tính quốc tế, mạng lưới nghiên cứu quốc tế, kết quả việc làm và tính bền vững, chiếm khoảng 5-15%.

Top 10 có 4 đại học từ Trung Quốc đại lục, ba trường của Hong Kong, hai trường Singapore, và một từ Hàn Quốc.

Bốn vị trí dẫn đầu giữ nguyên so với năm ngoái, lần lượt là Đại học Bắc Kinh, Hong Kong, Quốc gia Singapore và Công nghệ Nanyang. Sáu trường còn lại là Đại học Phúc Đán, Trung văn Hong Kong (CUHK), Thanh Hoa, Chiết Giang, Yonsei và Đại học thành phố Hong Kong (CityUHK).

Đại học Duy Tân
Khuôn viên Đại học Duy Tân

QS là một trong ba tổ chức xếp hạng đại học nổi tiếng, bên cạnh Times Higher Education (THE) và Shanghai Academic Ranking of World Universities (ARWU).

Hồi tháng 5, THE đưa ra bảng xếp hạng châu Á năm 2024 với 6 trường của Việt Nam. Trong 4 gương mặt quen thuộc, Đại học Tôn Đức Thắng xếp thứ 193, Đại học Duy Tân trong nhóm 201-300. Đại học Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP HCM lần lượt trong nhóm 501-600 và 601+. Tất cả tụt khoảng 100-200 bậc so với lần xếp hạng trước.

Bảng ARWU không có đại diện nào của Việt Nam.