Cơ hội nghề nghiệp
Sau khi tốt nghiệp ngành Xây dựng Cầu đường có thể làm gì?
Bạn muốn trở thành một kỹ sư xây dựng cầu đường nhưng lại không biết ngành này sẽ học cái gì và cơ hội việc làm ra sao? Đừng lo; tất cả những thắc mắc của bạn về việc “sau khi tốt nghiệp ngành Xây dựng Cầu đường có thể làm gì?” sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Ngành Xây dựng Cầu đường là gì?
Ngành Xây dựng Cầu đường là ngành chuyên về thiết kế, thi công, quản lý và khai thác các công trình giao thông phục vụ đời sống như: cầu, đường bộ, đường sắt, đường hầm, cao tốc, sân bay,…
Theo học ngành Xây dựng Cầu đường; bạn sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản và chuyên sâu trong lĩnh vực giao thông cầu đường như: vẽ kỹ thuật, cơ học cơ sở, thủy lực, kết cấu thép, thiết kế đường ô tô, cầu bê tông, cầu thép..; thi công, kiểm định dự án; khai thác và sửa chữa công trình giao thông, an toàn lao động.
Song song đó là rèn luyện những kỹ năng cơ bản để phục vụ việc thi công, trình bày các dự án thực tế về công trình như kỹ năng làm việc nhóm, tư duy sáng tạo, thuyết trình, phân tích thống kê qua các môn về thực tập và đồ án…
Tốt nghiệp ngành Xây dựng Cầu đường làm gì?
Đây là câu hỏi được rất nhiều các bạn trẻ theo học ngành Xây dựng Cầu đường đặt ra. Sau khi tốt nghiệp ngành Xây dựng Cầu đường các bạn có thể tham khảo những công việc sau:
– Kỹ sư tư vấn thiết kế cầu đường: thường bao gồm các phần việc khảo sát địa hình, địa chất; lập dự án nghiên cứu tính khả thi của công trình; tính toán, lập bản vẽ chi tiết;…trước khi tiến hành thi công một con đường hay cây cầu nào đó. Công việc của họ thường làm việc tại văn phòng của công ty, ít khi phải đi công tác xa. Tuy nhiên khi họ phải đảm nhận những dự án lớn và bản thiết kế cần phải chỉnh sửa thì kỹ sư tư vấn cần phải thường trực tại công trường.
– Kỹ sư giám sát cầu đường: công việc chính là chịu trách nhiệm về chất lượng của công trình; theo dõi tiến độ thi công, quản lý các các vấn đề phát sinh tại công trường; kiểm tra an toàn lao động, nghiệm thu sau khi dự án kết thúc, đảm bảo đúng quy chuẩn đề ra; kỹ sư giám sát có thể đề ra những bất hợp lý với nhà đầu tư để kịp thời chỉnh sửa; hướng dẫn, giám sát công nhân thi công,…
Tốt nghiệp ngành Xây dựng Cầu đường; các bạn có thể làm việc tại các doanh nghiệp trong, ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cầu đường; các cơ quan quản lý Nhà nước (các Bộ, Ngành, Tổng cục, Vụ,…) hoặc các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình từ trung ương đến địa phương.
Bên cạnh đó; bạn cũng có thể tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại các Viện nghiên cứu, trường đại học có đào tạo ngành xây dựng.
Với những chia sẻ trên về công việc sau khi tốt nghiệp ngành Xây dựng Cầu đường; mong rằng có thể giải đáp được phần nào những băn khoăn của các bạn về ngành học này; từ đó có những sự lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân trong tương lai. Chúc các bạn thành công.