Kiến thức kỹ năng
Kinh nghiệm cần biết khi sinh viên ngành Xây dựng đi thực tập
Hiện nay để có thể tìm việc làm ngay khi vừa mới ra trường là điều không hề dễ dàng với những ứng viên có hồ sơ “trắng tinh”. Dưới đây chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ và tìm hiểu một số kinh nghiệm cần biết khi sinh viên ngành Xây dựng đi thực tập.
Phải có Kiến thức chuyên ngành tốt
Thật đáng buồn nếu như một người kỹ sư xây dựng mà lại không biết đọc bản vẽ. Nếu như bạn không biết đọc bản vẽ thì cũng coi như bạn học trong trường ra mà vẫn bị “mù chữ”. Bởi vì, bản vẽ là ngôn ngữ giao tiếp chính của ngành Xây dựng, là ngôn ngữ chung của người thiết kế, người thi công, và chủ đầu tư. Khi vào công việc, ta chỉ nói trên cơ sở các bản vẽ thiết kế.
Đọc bản vẽ yêu cầu bạn những gì? Yêu cầu bạn nắm bắt được những thông tin mà người thiết kế muốn truyền tải vào đó, hiểu được quy mô, tính chất công trình mình sắp thi công, hình dung được những công việc cần phải làm để hoàn thành công trình. Tương tự, bạn cũng phải bóc tách được khối lượng từ bản vẽ thì mới có cơ sở để thi công, bố trí vật tư, thiết bị và nhân lực thi công… đó chính là những công việc của ngành Xây dựng.
Thái độ khi đi thực tập
Có bạn thì xác định chỉ xin dấu thôi, nên cả tuần mới đến chỗ thực tập 1-2 lần… có khi không lần nào, nhờ người quen xin dấu luôn cho. Có bạn thì do ít trải nghiệm, hơi nhát một chút đến thì ngồi im một chỗ,… cũng có bạn năng động nhưng chưa biết cách để tiếp cận, làm quen hay hòa mình vào môi trường làm việc mới nên những buổi đầu sẽ rất nản).
Thực tế, thái độ khi đi thực tập của sinh viên ngành Xây dựng quyết định rất nhiều đến đánh giá của đơn vị thực tập cũng như là công việc của các bạn trong tương lai. Sự chăm chỉ, chú ý quan sát sẽ khiến bạn được đánh giá cao hơn rất nhiều.
Sử dụng tốt các phần mềm chuyên ngành
Sử dụng tốt các phần mềm, xử lý tốt các sự cố thường gặp của máy tính, sử dụng tốt tin học văn phòng. Sẽ có đôi lúc, bạn không có ở công ty mà để có thể nhờ bộ phận văn phòng hay bộ phận IT giúp đỡ. Nhất là những bạn thường xuyên đi công trình thì việc kiêm nhiệm đa năng như vậy càng nhiều, càng phải rành rẽ. Đây chính là một trong những kỹ năng ngành Xây dựng quan trọng mà bạn cần có.
Có thể tự thiết kế công trình độc lập và thành thạo
Một Kỹ sư Xây dựng phải biết tính toán kết cấu cho công trình, khi tính toán xong các bạn phải biết triển khai ý tưởng triển khai bản vẽ ra (Móng, cột, dầm sàn…). Hơn nữa, người kỹ sư cũng có thể nghiên cứu để thiết kế kiến trúc cơ bản cho các công trình đơn giản, như công trình cấp IV chẳng hạn. Điều này giúp bạn có thể nhận thiết kế thêm các nhà dân, các công trình nhỏ theo mối quan hệ và làm cộng tác viên với một công ty tư vấn thiết kế nào đó.
Cọ xát thực tế càng nhiều càng tốt
Tấm bằng đẹp khi ra trường ngành Xây dựng sẽ không hẳn là tấm vé hoàn hảo cho bộ hồ sơ, nếu như bạn không có một ít kinh nghiệm thực tế. Vì vậy, mới có chuyện đòi hỏi bạn không những có tấm bằng mà còn phải có cả những chứng chỉ hành nghề, phải chứng minh được kinh nghiệm làm việc.
Không chỉ là thực tế khi tính toán, triển khai bản vẽ, lên dự toán, lập hồ sơ thầu mà còn phải biết những công việc tưởng chừng rất đơn giản khác để có thể quản lý và giám sát công trình. Vì vậy, bạn phải tận dụng tốt khoảng thời gian của các học phần thực tập để thực hành nghề nhiều hơn. Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao và khâm phục những tinh thần sẵn sàng học hỏi.
Với một vài chia sẻ từ bài viết trên mong rằng các bạn sinh viên đang theo học ngành Xây dựng sẽ có thêm những kỹ năng cần thiết phục vụ cho quá trình đi thực tập cũng như khi bắt đầu đi làm. Sự chăm chỉ và luôn luôn cố gắng sẽ giúp bạn đạt đến được thành công mà bản thân kì vọng. Chúc bạn thành công.