Tin tức ngành nghề
Các rủi ro trong ngành Xây dựng Cầu đường và cách khắc phục
Trong mọi ngành nghề đều có một tỷ lệ rủi ro nhất định phát sinh trong quá trình thực hiện. Ngành xây dựng cũng không ngoại lệ. Các rủi ro trong thi công xây dựng có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình và chi phí thực hiện. Cùng bài viết này tìm hiểu các rủi ro trong ngành Xây dựng Cầu đường và cách khắc phục nhé!
Các rủi ro xảy ra do tác động từ bên ngoài
– Rủi ro do môi trường, khí hậu: điều kiện thi công xây dựng chủ yếu là môi trường ngoài trời nên các yếu tố thời tiết, khí hậu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thời gian thực hiện dự án, chất lượng và chi phí thi công. Đặc biệt là điều kiện khí hậu nóng ẩm mưa nhiều tại nước ta, các dự án dễ bị ngưng trệ khi tiến hành vào mùa mưa.
– Rủi ro đến từ biến động thị trường: Biến động thị trường sẽ tác động rất lớn đến vấn đề tài chính và tiến độ thi công. Bởi vì; ngành xây dựng nói chung và chuyên ngành Xây dựng Cầu đường nói riêng có quan hệ trực tiếp với rất nhiều ngành dịch vụ khác trên thị trường và chiếm tỷ trọng lớn trong phân bổ ngân sách vốn đầu tư của nền kinh tế.
Các rủi ro do nguyên nhân kỹ thuật
– Rủi ro khi đầu tư máy móc, thiết bị: Khối lượng công việc ngành Xây dựng Cầu đường khá lớn và yêu cầu kỹ thuật khắt khe nên việc đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị sẽ giúp giảm thiểu được sự nặng nhọc cho nhân công, nâng cao năng suất lao động, chất lượng công trình được đảm bảo tốt nhất.
– Khả năng thu hồi vốn thấp: nếu máy móc được sử dụng nhiều (trúng thầu nhiều) thì đầu tư hoàn toàn xứng đáng. Nhưng nếu tần suất sử dụng thấp thì rất khó thu hồi vốn đầu tư.
– Hao mòn theo thời gian: đây là vấn đề của tất cả các loại máy móc, thiết bị. Điều kiện thời tiết và sử dụng không đúng cách cũng khiến cho máy móc dễ bị hao mòn, hư hỏng.
– Thiết bị không có sự đồng bộ: chủ đầu tư nếu không có kinh nghiệm đầu tư trang thiết bị thì dễ mua phải những máy móc không đồng bộ, làm chậm quá trình thi công, gây ứ đọng vốn đầu tư.
Các rủi ro trong khâu thủ tục hành chính, nghiệm thu, bàn giao
– Rủi ro trong quá trình giám sát, nghiệm thu, bàn giao: các rủi ro trong thi công Xây dựng Cầu đường đến từ các nguyên nhân chủ quan như: người giám sát kiểm tra không thực hiện theo quy chế, có sự tiêu cực giữa giám sát thi công của chủ đầu tư, cũng như điều hành thi công của nhà thầu.
– Rủi ro khi xử lý các thủ tục hành chính, pháp lý: rào cản về thủ tục hành chính vẫn luôn ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng và tiến độ hoàn thành của dự án. Một số rủi ro có thể xảy ra như: thay đổi chính sách thuế làm thay đổi các khoản thu nhập, thay đổi hạn ngạch, thuế quan, thay đổi các quy định về mức lương tối thiểu hay chế độ làm việc. Ngoài ra, còn một số rủi ro khác như chính phủ áp dụng biện pháp lãi suất để quản lý và kiểm soát lạm phát, hay quy định về kiểm soát chất thải, bảo vệ môi trường…
Biện pháp giúp đánh giá tình trạng và quản lý rủi ro hiệu quả
Kinh nghiệm thực tế đã cho thấy, các rủi ro như trên hoàn toàn có thể xử lý nếu bạn áp dụng hệ thống quản lý các rủi ro trong thi công xây dựng. Biện pháp để bạn quản lý rủi ro cho các dự án như sau:
Nhận dạng rủi ro do môi trường và vấn đề dự án dựa trên thực tế:
Mỗi giai đoạn triển khai dự án sẽ có những rủi ro khác nhau. Do đó, đơn vị thực hiện cần thường xuyên nhận dạng rủi ro cần xử lý, cập nhật lại để nắm bắt tình hình, đặc biệt trong giai đoạn chuẩn bị dự án cần nhận dạng một cách đầy đủ, chi tiết, nhất là các rủi ro liên quan đến chi phí, thời gian thực hiện.
Công cụ nhận dạng các rủi ro trong thi công xây dựng cũng rất đa dạng, phải kết hợp nhiều phương pháp như phân tích, thống kê kinh nghiệm, dự báo, lấy ý kiến chuyên gia… từ đó phát hiện được nguồn gốc phát sinh rủi ro, phạm vi ảnh hưởng để xử lý.
Thực hiện đo lường, đánh giá tác động của rủi ro tới khả năng thành công của dự án:
Sau khi đã thực hiện phân tích rủi ro như trên; bạn phải tiến hành đánh giá hiệu quả kinh tế – tài chính của dự án. Hiệu quả này được xác định trên cơ sở các chi phí đầu tư xây dựng, chi phí vận hành, khai thác dự án, thu thập của dự án. Bởi vì rủi ro sẽ tác động trực tiếp đến các yếu tố này.
Để đo lường được tác động của rủi ro tới dự án, bạn cần kết hợp các phương pháp định tính và định lượng phù hợp:
Phương pháp định tính có thể thực hiện dựa trên lý thuyết về xác suất thống kê, tổ hợp, các chương trình phần mềm ứng dụng…
Phương pháp định lượng thì được thực hiện dựa trên điều kiện cụ thể của dự án, dữ liệu thống kê với các phương pháp như: phân tích kịch bản để xác định giá trị dự kiến, phân tích độ nhạy có tính xác suất, phân tích mô phỏng… để đánh giá được hiểu quả của dự án trong điều kiện có rủi ro.
Tiến hành các hoạt động kiểm soát, hạn chế tác động của rủi ro:
Việc này cần có kế hoạch thực hiện rõ ràng, kiểm soát các rủi ro trong thi công xây dựng. Việc này nên được thực hiện đồng thời với nhiều biện pháp chủ động dự phòng các nguồn lực bất hợp lý để ứng phó với rủi ro kịp thời.
Trên đây là một số rủi ro và cách khắc phục trong ngành Xây dựng Cầu đường nói riêng và đồng thời trong cả ngành Xây dựng. Do đó; nếu bạn đã và đang công tác trong chuyên ngành này thì mong rằng đây sẽ là một bài viết bổ ích dành cho bạn.