Lịch sử ngành Xây dựng Cầu đường Việt Nam

Ngay sau khi thành lập ngày 28/8/1945; với Bộ Giao thông công chính thuộc Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì phá hoại cầu đường, ngăn chặn quân địch tiến quân đánh chiếm các vùng tự do, các căn cứ kháng chiến là nhiệm vụ quan trọng thứ hai trong 6 nhiệm vụ được đặt ra lúc bấy giờ. Bài viết này sẽ cho ta cái nhìn tổng quát nhất về lịch sử ngành Xây dựng Cầu đường Việt Nam.

Lịch sử ngành Xây dựng Cầu đường
Lịch sử ngành Xây dựng Cầu đường Việt Nam

Năm 1954, hòa bình lập lại nhưng đất nước tạm thời bị chia cắt. Nhiệm vụ lớn nhất của ngành GTVT trong thời kỳ này là khôi phục lại hệ thống giao thông để phục vụ phát triển kinh tế miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Cầu Hàm Rồng, Cầu Việt Trì, Cầu Phủ Lạng Thương… và hàng loạt cầu trên các tuyến đường sắt Hà Nội – Vinh, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lạng Sơn có kết cấu chủ yếu là dàn thép đã được xây dựng trong thời kỳ 1954 – 1964.

Một loạt các cầu trung và nhỏ trên các quốc lộ được xây dựng trong giai đoạn này chủ yếu bằng kết cấu nhịp dầm giản đơn bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ có khẩu độ dưới 21m. Đặc biệt, năm 1960, cây cầu bê tông dự ứng lực đầu tiên được nghiên cứu, thiết kế và xây dựng thành công, đó là cầu Phủ Lỗ vượt nhịp 18m. Từ thành công của công trình cầu Phủ Lỗ, các cây cầu bê tông dự ứng lực khác ở miền Bắc đã được xây dựng như cầu Cửa Tiền, cầu Tràng Thưa, cầu Đồi, cầu Lim…

Giai đoạn 1964 – 1975 là giai đoạn đảm bảo giao thông chống chiến tranh phá hoại miền Bắc và chi viện cho giải phóng miền Nam. Các nhà khoa học và đội ngũ thợ cầu Việt Nam đã có những sáng tạo có thể nói là kỳ diệu trong việc nghiên cứu thiết kế và xây dựng thành công những cây cầu mà kết cấu đặc biệt của chúng có thể nói là “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử.

Trước hết phải kể đến cầu dây cáp, có hai loại cầu dây cáp, một loại chỉ có 02 sợi cáp cứng được căng và neo vào 02 hố thế ở hai bờ. Những cây cầu dây cáp này được xây dựng để tránh sự phát hiện của máy bay trinh sát vì có chụp ảnh tọa độ cũng chỉ thấy hai hay nhiều vệt dây chứ không đoán được đó là những cây cầu dã chiến. Những cây cầu cáp này đã được lắp đặt ở Bắc Kạn, Đoan Hùng, Đò Lèn, Đuống, Đoan Vĩ, Cấm… và nhiều vị trí khác trên đường mòn Hồ Chí Minh.

Một loại kết cấu đặc biệt khác nữa là cầu tre sống phục vụ giao thông nông thôn trong điều kiện thời chiến, khi mà kinh phí khó khăn, sắt thép xi măng là những vật liệu khan hiếm.

Các giai đoạn lịch sử của ngành Xây dựng
Giai đoạn 1964 – 1975 là giai đoạn đảm bảo giao thông chống chiến tranh phá hoại miền Bắc và chi viện cho giải phóng miền Nam

Sự tàn phá của chiến tranh trong một giai đoạn dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống giao thông cả hai miền Nam, Bắc. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, có thể nói không còn một tuyến đường bộ nào ở miền Bắc đạt cấp kỹ thuật đồng bộ. Đường sắt Thống Nhất bị tàn phá nặng nề. Đã có hơn 02 vạn mét cầu, hàng ngàn cống được xây dựng, hơn 660 km đường ray được lắp đặt mới… để khôi phục kết cấu hạ tầng giao thông sau chiến tranh.

Do yêu cầu về tiến độ và tận dụng vật tư trong các kho sau chiến tranh cũng như nguồn vốn hạn chế, đất nước bị bao vây cấm vận, vật tư, thiết bị, công nghệ chủ yếu được trợ giúp từ Liên Xô, CHDC Đức, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri… nên trong giai đoạn 1975 – 1986, các loại hình cầu dàn thép, dầm thép liên hợp bê tông cốt thép chiếm tỷ trọng đáng kể.

Một dạng kết cấu cầu khá phổ biến ở giai đoạn này là cầu liên hợp thép – bê tông cốt thép vượt khẩu độ từ 12m đến 30m. Dầm thép được sử dụng là dầm I450, I550 của Liên Xô và I600, I900 của Mỹ.

Cầu treo dây võng khá thích hợp đối với việc khôi phục giao thông nhanh sau chiến tranh, nhất là lúc bấy giờ, thép hình I 550 và cáp mềm khá sẵn trong các kho vật tư. Do không có điều kiện thử khí động nên các cây cầu treo dây võng được thiết kế và xây dựng trong thời kỳ khôi phục sau chiến tranh có khẩu độ chỉ từ 100m đến 200m và khai thác hạn chế với tốc độ chạy xe thấp.

Cũng trong giai đoạn này, cây cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam, cầu Đakrong trên đường Trường Sơn do Trường Đại học Xây dựng thiết kế và Đoàn 559 thi công được đưa vào khai thác năm 1972.

Trong giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1995, do đất nước vẫn đang bị bao vây, cấm vận, ngân sách nhà nước hết sức khó khăn nên ngành GTVT tập trung chủ yếu nguồn lực cho công tác duy tu bảo dưỡng để đảm bảo ATGT và triển khai xây dựng một số công trình thực sự cấp bách.

ngành Xây dựng Cầu Việt Nam
78 năm phát triển của ngành Xây dựng Cầu Việt Nam

78 năm phát triển của ngành Xây dựng Cầu Việt Nam được đánh dấu từ những ngày đầu đi phá dỡ cầu đường tiêu thổ kháng chiến để giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng lại đàng hoàng hơn, to đẹp hơn với những cây cầu đạt trình độ khoa học và công nghệ sánh ngang trình độ các nước phát triển.